Breaking News

Phần mềm tự phát triển giúp hàng không Nga vô sự trước sự cố CrowdStrike

Việc làm thủ tục ở một sân bay Mỹ bị trì trệ đáng kể do nhân viên phải chuyển sang thao tác bằng tay - Ảnh: AFP

Việc làm thủ tục ở một sân bay Mỹ bị trì trệ đáng kể do nhân viên phải chuyển sang thao tác bằng tay - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Sputnik của Nga, các hệ thống quan trọng của Nga hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi lỗi phần mềm bảo mật CrowdStrike Falcon làm sập hệ thống máy tính toàn cầu hôm 19-7.

Điều này nhờ vào việc xứ sở bạch dương tự phát triển và sử dụng các công cụ an ninh mạng "cây nhà lá vườn", cũng như phần mềm vận hành do chính người Nga phát triển cho các cơ sở hạ tầng chủ chốt.

Tiêu biểu trong đó là Astra - hệ thống tự động hóa thủ tục sân bay cho hành khách và hành lý (DCS) tại các cảng hàng không. Hệ thống này do Công ty công nghệ có trụ sở ở Nga Sirena-Travel phát triển.

Astra được sử dụng tại các sân bay lớn của Nga, tiêu biểu như hai sân bay Sheremetyevo và Domodedovo ở thủ đô Matxcơva. Ngoài ra, phần mềm này còn được sử dụng tại các sân bay của các nước như Azerbaijan và Uzbekistan.

Hệ thống này có thể xử lý thủ tục bay lên đến 6 triệu hành khách mỗi tháng. Ngoài việc làm thủ tục hành khách và kiểm soát hành lý, Astra còn có thể lên lịch bảo dưỡng máy bay, giám sát việc thực hiện kế hoạch bay hằng ngày, tương tác giữa bộ phận kiểm tra hộ chiếu và kiểm soát biên giới, cũng như giám sát tải trọng của các chuyến bay thương mại.

Sputnik khẳng định Astra tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) và hỗ trợ tất cả dạng thông điệp tiêu chuẩn với các hệ thống làm thủ tục khác. Hệ thống này đặc biệt tương thích với công cụ kiểm tra hộ chiếu trực tuyến Magistral của an ninh Nga.

Ngôn ngữ mặc định của Astra gồm tiếng Anh và tiếng Nga. Nhân viên sân bay có thể vận hành hệ thống này chỉ sau hai ngày huấn luyện.

Sau sự cố CrowdStrike, đại diện sân bay Domodedovo khẳng định đơn vị này sẵn sàng cung cấp Astra cho các sân bay khác để làm hệ thống làm thủ tục dự phòng.

Từ khoảng sáng 19-7 (giờ Việt Nam), một loạt hệ thống máy tính trên toàn thế giới tê liệt, với các lĩnh vực bị ảnh hưởng bao gồm hàng không, ngân hàng, tài chính, y tế...

Sự cố này được xác định do Công ty bảo mật CrowdStrike phát hành bản cập nhật có lỗi cho phần mềm Falcon của mình, khiến các hệ thống chạy hệ điều hành Windows của Microsoft khởi động lại liên tục.

Hàng không thế giới hồi phục sau sự cố an ninh mạng

Theo Đài CNN, ngày 20-7, các hãng hàng không ở châu Á như Jetstar Nhật Bản, Hong Kong Express và Cebu Pacific tuyên bố việc vận hành của họ đã bắt đầu được phục hồi sau sự cố CrowdStrike.

Trong thông báo trên website, Hãng Jetstar Nhật Bản tuyên bố "dự kiến vận hành bình thường trở lại" trong ngày 20-7, ngoại trừ năm chuyến bay đã bị hủy trước đó.

Hong Kong Express cũng khẳng định hệ thống đặt vé và làm thủ tục trực tuyến "hầu như đã trở lại". Tuy nhiên, chỉ bốn chuyến bay sẽ khởi hành như dự định ban đầu trong ngày 20-7, trong khi có đến 20 chuyến bay bị hủy.

Hãng hàng không Philippines Cebu Pacific thì tuyên bố hệ thống đặt vé, làm thủ tục tự động và các hệ thống khác "đã được phục hồi, song việc vận hành bay sẽ cần thêm thời gian để quay về trạng thái bình thường".

Hãng bay này thông báo: "Đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi tiếp tục có những tiến triển khả quan trong việc phục hồi hoàn toàn khả năng hoạt động của các hệ thống sau vụ sập hệ thống máy tính toàn cầu".

No comments

The News Day